THỊ TRƯỜNG THÉP NHIỀU TÍN HIỆU KHỞI SẮC

13/05/2024
thi-truong-thep-nhieu-tin-hieu-khoi-sac

Nhu cầu xây dựng từ dân dụng tới đầu tư công đang đem lại sự khởi sắc trở lại đối với ngành thép. Tốc độ bán hàng tại các đại lý đã cải thiện hơn so với thời điểm vài tháng trước đây.

Bán hàng khởi sắc

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại một số tuyến đường chuyên buôn bán vật liệu xây dựng tại Hà Nội như Hoàng Quốc Việt, Kim Ngưu, Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) Đê La Thành... cho thấy, các chủ đại lý đang tất bật nhập hàng.

Ông Bình - chủ một đại lý chuyên kinh doanh các loại thép trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) cho biết, giai đoạn từ tháng 3 - 5 hàng năm là cao điểm mùa xây dựng, nhu cầu thép tăng lên, cứ cách khoảng 1 - 2 ngày cơ sở của ông lại nhập thêm hàng mới bổ sung cho kho.

Nhiều đại lý thép cho biết nhu cầu dân dụng khởi sắc. Ảnh: Hồng Minh

"Đại lý của tôi vẫn nhập thép từ các thương hiệu trong nước sản xuất. Mặc dù nhu cầu xây dựng dân dụng có tăng, tuy nhiên vì gần đây giá thép tăng 2 lần liên tiếp vào giữa tháng 4 và đầu tháng 5 nên chỉ nhập hàng vừa đủ để bán" - ông Bình cho hay.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, từ ngày 2/5 một số DN thép trong nước như Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức, Pomina, VAS… điều chỉnh tăng khoảng 100.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép cuộn CB240 - đánh dấu lần tăng thứ 2 liên tiếp trong hai tháng trở lại đây.

Cụ thể, thép Hòa Phát tăng 100.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 ở cả 3 miền, lên 14,24 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước, ở mức 14,40 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thép Việt Ý tăng thêm 100.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 lên 14,14 triệu đồng/tấn, còn thép thanh vằn D10 CB300 giữ ở mức 14,34 triệu/tấn; thép Việt Đức điều chỉnh tăng 100.000 đồng/tấn lên 14,14 triệu/tấn.

Theo đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel), thị trường thép xây dựng nội địa đã rục rịch nóng dần lên khi một số nhà máy thông báo cắt hỗ trợ giá bán thép thanh vằn CB4, CB5 ở mức từ 50.000 - 100.000 đồng/tấn, hoặc có nhà sản xuất cắt hỗ trợ từ 150.000 - 200.000 đồng/tấn đối với hàng dân dụng, hoặc có doanh nghiệp tăng trực tiếp 50.000 đồng/tấn giá niêm yết thép thanh vằn D10-Gr40.

Mặc dù nguyên liệu đầu vào như phôi thép và thép phế duy trì diễn biến tăng giá từ đầu tháng 4/2024 cho tới nay, nhưng các nhà sản xuất vẫn rất thận trọng trong việc điều chỉnh giá bán thép xây dựng nội địa.

Việc tăng giá thép xây dựng của các nhà sản xuất trong những ngày cuối tháng 4 diễn ra nhỏ lẻ, với phương thức điều chỉnh tăng giá khác nhau. Tuy nhiên đây được coi là những tín hiệu khởi đầu cho khả năng tăng giá đồng loạt trong thời gian tới.

"Nhìn chung, những kỳ vọng vào sự phục hồi cả về giá và nhu cầu của thị trường thép xây dựng nội địa đang ngày càng tăng cao. Một số nhà kinh doanh vật liệu xây dựng phía Bắc cho biết, tốc độ bán hàng bình quân cho nhóm khách hàng dân dụng trong tháng 4 năm nay đã có sự cải thiện hơn so với tháng trước" - đại diện Vnsteel cho biết.

Thuận lợi đi kèm sức ép

Các chuyên gia trong ngành đánh giá, nhu cầu thép của Việt Nam trong năm 2024 sẽ phục hồi so với năm ngoái, tuy nhiên mức độ yếu và chưa thể trở lại mức sản lượng như trước đại dịch Covid-19.

Nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường bất động sản, và rõ nét dần từ cuối năm 2024 trở đi khi các quy định pháp luật liên quan chính thức có hiệu lực.

Bên cạnh đó, từ cuối năm 2023, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam khoảng 6 - 6,5% cao hơn của cả năm 2023, đi kèm với giải ngân tối thiểu 95% đầu tư công... sẽ tạo ra những tác động tích cực đến nền kinh tế trong nước nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Việc này sẽ đưa hệ sinh thái đi kèm gồm xây dựng, vật liệu... phát triển.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, thị trường tiếp tục đối mặt với những thách thức, khó khăn. Theo đại diện Vnsteel, các cuộc xung đột trên khắp thế giới tiếp tục leo thang gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giá cước container toàn cầu đã đạt mức cao nhất lịch sử kể từ khi được thống kê từ tháng 6/2011. Không chỉ gia tăng chi phí, hoạt động xuất nhập khẩu trong đó có các mặt hàng nguyên liệu thép theo tuyến hải trình Á – Âu hiện phải mất thêm 10 ngày vận chuyển.

Làn sóng phá sản của thị trường bất động sản Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến nhu cầu thép tại quốc gia này. Nhu cầu trong nước đình trệ, quốc gia này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, ảnh hưởng lớn đến thị trường thép của khu vực trong đó có Việt Nam.

Thị trường thép trong nước chịu cạnh tranh hết sức gay gắt đối với thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo thống kê của số liệu hải quan, hai tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu hơn 1,8 triệu tấn các mặt hàng thép xuất xứ từ Trung Quốc, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Thạc sĩ vật liệu xây dựng Phạm Ngọc Trung nhận định, dự báo giá điện còn tăng, với những thương hiệu thép sử dụng công nghệ lò điện sẽ gặp phải áp lực tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới giá thành (khi chi phí chiếm 7 - 8% trong sản xuất thép).

Ngoài ra, khi giá điện tăng thường kéo theo các chi phí đầu vào khác tăng theo. Điều này chắc chắn tác động không nhỏ đến chi phí sản xuất của các DN. "Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thép cũng quan ngại về xu hướng lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục tăng.

Trong khi Việt Nam đang phải nỗ lực điều chỉnh theo Net - Zero và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) áp dụng công nghệ giảm phát thải trong sản xuất thép. Nếu Chính phủ không có phương án điều chỉnh, ngành thép Việt sẽ hụt hơi với giá thép Trung Quốc" - thạc sĩ Phạm Ngọc Trung nhìn nhận.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của các nhà sản xuất tại thị trường nội địa quý I/2024 là 2,058 triệu tấn, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó khu vực miền Bắc tiêu thụ 1,123 triệu tấn, giảm 8,1%; miền Nam 0,711 triệu tấn, giảm 5,2%; miền Trung đạt 0,223 triệu tấn, giảm 3,7%.

Nguồn tin: KTĐT